Có những buổi chiều, sau một ngày dài với bộn bề công văn giấy tờ, anh cán bộ chỉ mong được về nhà. Về, để nghe tiếng con bi bô khoe chuyện trường lớp, để hít hà mùi thức ăn quen thuộc vợ nấu trong bếp, để ngồi phịch xuống bộ bàn ghế cũ mà thấy lòng mình bình yên đến lạ. Cái chốn ấy, người ta gọi là nhà. Và cái cảm giác ấy, người ta gọi là “an cư”. Nó không đơn thuần là một nơi trú ngụ, mà là cái mỏ neo vững chãi giữ con người ta lại giữa dòng đời vạn biến, là nền tảng âm thầm để mỗi sớm mai, ta lại có đủ năng lượng và nhiệt huyết mà “lạc nghiệp”. Thế rồi một ngày, “sáp nhập” – hai tiếng ngắn gọn trong một văn bản hành chính – bỗng trở thành một cơn địa chấn làm rung chuyển cái mỏ neo ấy, gây ra một cuộc xáo trộn lớn lao và sâu sắc. Trụ sở làm việc mới, cách nhà cả trăm, thậm chí vài trăm cây số. Cái “an cư” tưởng đã vững chãi sau bao năm gây dựng, bỗng hóa mong manh.
“An cư” trong tâm thức người Việt không chỉ là một khái niệm vật chất. Nó là “tổ ấm”, là mảnh đất chôn rau cắt rốn, là nơi gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ. Nó là một hệ sinh thái tinh thần phức hợp, được dệt nên bởi tình làng nghĩa xóm, bởi những mối quan hệ xã hội đã bám rễ sâu đậm, bởi sự gắn kết với ông bà, cha mẹ, họ hàng. Đó là sự ổn định không chỉ cho bản thân người cán bộ, mà cho cả gia đình họ. Một khi hệ sinh thái này bị đe dọa, thứ mất đi không chỉ là sự tiện lợi, mà là cảm giác an toàn, là điểm tựa tinh thần đã nuôi dưỡng họ suốt bao năm. Cú sốc sáp nhập, vì thế, không chỉ tác động lên đời sống, mà còn là một đòn mạnh vào tâm lý, vào cảm thức về sự thuộc về.
Cú sốc ấy chia cuộc đời của nhiều gia đình làm hai nửa: trước và sau. “Trước” là một cuộc sống đã vào guồng, dù có thể không giàu có nhưng bình yên. “Sau” là một mớ hỗn độn những lựa chọn chẳng đặng đừng. Toàn bộ hệ sinh thái cuộc đời, từ ngôi trường con đang theo học, cái sạp vải nhỏ của vợ ngoài chợ, cho đến khoản vay ngân hàng mua nhà còn dang dở, tất cả đều bị đặt lên bàn cân. Và rồi, họ buộc phải đứng trước một ngã ba đường, mà ngã nào cũng gập ghềnh, cũng nhuốm màu hy sinh.
Lựa chọn đầu tiên, nghe qua tưởng như vẹn toàn nhất, là cùng nhau xê dịch, bứng cả gốc rễ gia đình đến một vùng đất mới. Nhưng một cái cây đã cắm rễ sâu vào lòng đất, việc di dời chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong cuộc xê dịch này đôi khi lại là những người bạn đời. Sự nghiệp của người chồng được ưu tiên, cũng đồng nghĩa với việc người vợ có thể phải chấp nhận gác lại những gì mình đã dày công vun đắp. Bỏ lại công việc quen thuộc, những mối quan hệ đã xây dựng để đến một nơi xa lạ, đối mặt với nguy cơ không tìm được việc làm hoặc phải bắt đầu lại từ con số không. Đó là sự hy sinh thầm lặng, là nỗi niềm không dễ sẻ chia, là gánh nặng tâm lý đè lên vai người phụ nữ, bên cạnh việc phải lo cho con cái thích nghi với môi trường hoàn toàn mới.
Khi việc bứng cả gốc rễ đi như vậy quá nhiều rủi ro và đánh đổi, phần lớn đành chọn một giải pháp tình thế: hóa thân thành “cán bộ cuối tuần”. Họ chấp nhận một cuộc sống “hai quê”, mà thực chất là “ngụ cư” ở nơi làm việc mới. Căn phòng trọ mười lăm mét vuông, đơn sơ và lạnh lẽo, những bữa cơm bụi vội vàng. Lâu dần, sẽ có cảm giác mình không thực sự thuộc về nơi nào cả. Ở thành phố mới, chỉ là người tạm trú; khi về nhà cuối tuần, lại như một vị khách, loay hoay để kết nối lại với chính cuộc sống của mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Sự xa cách về địa lý dần bào mòn sự gắn kết tình cảm. Vai trò người cha, người mẹ không thể trọn vẹn qua những cuộc điện thoại. Trạng thái căng thẳng kéo dài, sự mệt mỏi triền miên vì di chuyển dễ dẫn đến tình trạng kiệt sức, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Đã có những ý tưởng mang tính tình thế được đưa ra, rằng có thể bố trí cán bộ công chức ở chung trong các khu tập thể, nhà công vụ được ngăn chia lại. Thoạt nghe, đó là một giải pháp nhanh chóng, tiết kiệm chi phí. Nhưng đó là một cái nhìn nhầm lẫn giữa chỗ ở của một sinh viên và tổ ấm của một gia đình.
Làm sao có thể xếp một gia đình có con nhỏ, có nếp sinh hoạt riêng, vào chung một không gian với nhiều gia đình khác? Con trẻ sẽ lấy đâu ra góc học tập yên tĩnh khi không gian sinh hoạt chung ồn ào? Sự riêng tư, vốn là không khí để duy trì mọi mối quan hệ vợ chồng, gia đình, sẽ tan biến sau những bức tường ngăn mỏng manh. Những va chạm vụn vặt trong sinh hoạt hàng ngày, từ việc dùng chung bếp, chung nhà vệ sinh, cho đến khác biệt về giờ giấc, sẽ bào mòn dần sự kiên nhẫn và cả lòng tự trọng. Bắt một người cán bộ đã có thâm niên, có vị trí xã hội, quay trở lại với một mô hình sống tập thể như vậy, vô hình trung là tước đi của họ vai trò làm chủ một gia đình, đẩy họ vào một tình thế khó xử và thiếu đi sự tôn trọng tối thiểu.
Lời giải, vì thế, không nằm ở những giải pháp chắp vá, tạm bợ. Nó phải là một sự đầu tư nghiêm túc và thấu đáo vào nơi ở của những người đang gánh vác trọng trách chung. Trước mắt, giải pháp cấp thiết là phải xây dựng hoặc chuyển đổi các quỹ nhà công vụ thành những căn hộ khép kín đúng nghĩa, dù diện tích có thể khiêm tốn. Một căn hộ có phòng khách, phòng ngủ riêng, có bếp và khu vệ sinh riêng biệt mới có thể được gọi là một “tổ ấm”, một nơi để gia đình quây quần và tái tạo năng lượng. Cùng với đó, một chính sách phụ cấp thuê nhà thực chất, đủ lớn để bù đắp cho sự chênh lệch giá cả ở tỉnh lỵ mới, là chiếc phao cứu sinh cần thiết để cán bộ, công chức có thể tự tìm kiếm một không gian sống phù hợp trong thời gian đầu.
Về lâu dài, cần một chiến lược bền vững hơn. Đó là việc quy hoạch và dành riêng những quỹ đất sạch ở vị trí thuận lợi để xây dựng các khu chung cư, khu nhà ở xã hội dành riêng cho cán bộ, công chức. Quan trọng hơn cả là một chính sách vay vốn mua nhà với lãi suất thực sự ưu đãi, với thời hạn trả góp kéo dài và thủ tục được đơn giản hóa. Trao cho cán bộ, công chức “chiếc cần câu” thay vì chỉ cho “con cá”, để họ có thể tự mình xây dựng nên một mái nhà vững chãi, thuộc về chính họ. Đó mới là cái gốc của “an cư”. Khi người cán bộ không còn phải canh cánh nỗi lo về một chốn đi về bấp bênh, họ mới có thể toàn tâm toàn ý mà “lạc nghiệp”.
Suy cho cùng, việc chăm lo cho một mái nhà của người công chức không phải là một sự ban ơn, mà là một sự đầu tư khôn ngoan và cần thiết. Nó là sự đầu tư vào sự ổn định của bộ máy, vào chất lượng của công việc và vào sự liêm chính của con người. Chìa khóa của một căn nhà công vụ được trao đi không chỉ là một miếng kim loại, mà là chìa khóa mở ra sự an tâm, hạnh phúc gia đình và lòng tận tụy. Bởi một khi cái nền móng gia đình đã vững, thì người ta mới có đủ tâm sức để xây đắp những công trình lớn lao hơn cho xã hội.
Nguyễn Anh Trung