Bản năng sinh tồn nguyên thủy đã ban tặng cho con người vô vàn khát vọng. Khát vọng sống, khát vọng yêu thương, khát vọng chinh phục và cả khát vọng sở hữu. Chính khát vọng sở hữu này, ở một mức độ vừa phải, là động lực thúc đẩy xã hội phát triển, tạo nên những thành tựu vượt bậc của nhân loại. Nhưng cũng chính nó, khi vượt khỏi lằn ranh mong manh của lý trí và đạo đức, đã biến thành lòng tham vô đáy, mầm mống của tội lỗi, mà tham nhũng chính là một trong những biểu hiện nguy hiểm nhất. Nó như một con quái vật ẩn mình trong bóng tối, gặm nhấm những giá trị tốt đẹp, đẩy con người vào vòng xoáy của sai trái và suy đồi. Liệu chúng ta có đủ dũng cảm để đối mặt với con quái vật trong chính mình, trước khi nó hủy hoại tất cả?
Lòng tham: Mầm mống của tham nhũng
Lòng tham, một bản năng sinh tồn nguyên thủy, tồn tại trong mỗi con người. Đó là khát vọng sở hữu, tích lũy, mong muốn có được nhiều hơn những gì mình đang có. Ở một mức độ nhất định, lòng tham có thể là động lực thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh, sự sáng tạo và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, khi lòng tham vượt khỏi tầm kiểm soát của lý trí và đạo đức, nó biến thành tham lam vô độ, một cơn đói khát không bao giờ được thỏa mãn. Nó che mờ lý trí, bóp nghẹt lương tri, khiến con người bất chấp luật pháp, đạo đức, sẵn sàng chà đạp lên quyền lợi của người khác để thỏa mãn dục vọng cá nhân. Lòng tham, khi không được kiềm chế, chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng nảy sinh và bén rễ. Nó biến con người thành nô lệ của dục vọng, sẵn sàng đánh đổi mọi giá trị để thỏa mãn cơn khát tiền tài, quyền lực.
Sự suy thoái đạo đức: Môi trường dung dưỡng cho tham nhũng hoành hành
Đạo đức suy thoái chính là mảnh đất màu mỡ để tham nhũng nảy sinh và lan rộng. Đạo đức, với hệ thống các giá trị, nguyên tắc và chuẩn mực hành vi, đóng vai trò như “hệ miễn dịch” của một con người, giúp ngăn chặn và đẩy lùi những hành vi tiêu cực, sai trái. Khi “hệ miễn dịch” này suy yếu, con người trở nên dễ bị tổn thương trước những “căn bệnh”, trong đó có tham nhũng.
Sự suy thoái đạo đức biểu hiện ở nhiều cấp độ, từ cá nhân đến cộng đồng. Ở cấp độ cá nhân, đó là sự xói mòn các giá trị cốt lõi như liêm chính, công bằng, trách nhiệm, lòng tự trọng. Khi những giá trị này không còn được coi trọng, con người dễ dàng bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, đánh mất phương hướng, sa ngã vào vòng xoáy của tham lam và tội lỗi. Họ biện minh cho hành vi sai trái của mình bằng những lý lẽ như “ai cũng làm vậy”, “mình không làm thì người khác cũng làm”, “chỉ cần không bị phát hiện là được”. Sự suy thoái đạo đức ở cấp độ cá nhân chính là tiền đề cho những hành vi tham nhũng nhỏ lẻ, tạo thành “vết dầu loang” lan rộng ra cả cộng đồng.
Ở cấp độ cộng đồng, sự suy thoái đạo đức thể hiện ở sự thờ ơ, vô cảm trước cái xấu, cái ác; sự im lặng trước bất công; sự dung túng, thậm chí bao che cho những hành vi sai trái. Khi một tập thể mất đi khả năng tự điều chỉnh, tự làm trong sạch, tham nhũng sẽ có cơ hội nảy nở và phát triển mạnh mẽ. Một tập thể mà “im lặng là vàng”, “dĩ hòa vi quý” được đặt lên trên lẽ phải, công lý, sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng hoành hành. Sự thiếu minh bạch trong quản lý, điều hành; sự yếu kém trong giám sát, kiểm tra; sự thiếu hiệu quả trong xử lý các vụ việc tham nhũng, tất cả đều góp phần tạo nên một môi trường dung túng, thậm chí khuyến khích cho tham nhũng.
Khi con người mất đi những chuẩn mực đạo đức làm kim chỉ nam, lòng tham sẽ không còn bị ràng buộc bởi bất kỳ giới hạn nào. Lòng tham, vốn dĩ đã tồn tại trong mỗi con người, nay được “giải phóng” khỏi những ràng buộc đạo đức, sẽ bùng phát mãnh liệt, dẫn đến sự tha hóa về nhân cách và hành vi. Tham nhũng, trong bối cảnh đó, không còn là hành vi cá biệt, mà trở thành một hệ thống, một “căn bệnh mãn tính” khó có thể chữa khỏi.
Tham nhũng: sự cộng hưởng giữa lòng tham vô độ và suy thoái đạo đức
Tham nhũng như một hệ quả tất yếu của sự cộng hưởng giữa lòng tham vô độ và sự suy thoái đạo đức. Tham nhũng tồn tại dưới nhiều hình thức tinh vi, đa dạng, từ những hành vi nhỏ lẻ, vụn vặt đến những “đại án” chấn động dư luận. Về bản chất, tham nhũng là sự phản bội lòng tin, là sự chà đạp lên công lý và lẽ phải. Khi lòng tham lấn át lương tri, khi những giá trị đạo đức bị xem nhẹ, quyền lực và vị trí công tác không còn được sử dụng để phục vụ nhân dân, mà trở thành công cụ để trục lợi, bòn rút của công. Tham nhũng phá vỡ nguyên tắc công bằng, tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội.
Hệ lụy của tham nhũng vô cùng nặng nề và đa chiều. Về kinh tế, tham nhũng làm méo mó thị trường, gây lãng phí nguồn lực quốc gia, cản trở đầu tư và phát triển kinh tế. Các dự án đầu tư công, thay vì được sử dụng hiệu quả để phát triển hạ tầng, cải thiện đời sống nhân dân, lại bị “rút ruột” bởi những hành vi tham ô, hối lộ. Điều này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm giảm sút niềm tin của các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của đất nước. Về xã hội, tham nhũng làm gia tăng bất bình đẳng, tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Những người có quyền lực, có vị trí công tác có thể lợi dụng để làm giàu bất chính, trong khi những người khác phải chật vật mưu sinh, chịu thiệt thòi. Sự bất công này gây ra bức xúc, bất mãn trong xã hội, làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc. Về chính trị, tham nhũng xói mòn niềm tin của người dân vào chính quyền, làm giảm sút uy tín của Đảng và Nhà nước. Khi người dân không còn tin tưởng vào sự công minh, chính trực của hệ thống chính trị, họ sẽ mất đi động lực tham gia vào các hoạt động xã hội, tạo ra sự thờ ơ, vô cảm, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của đất nước.
Giải pháp nào để đẩy lùi lòng tham, ngăn ngừa tham nhũng
Đẩy lùi tham nhũng là một cuộc chiến trường kỳ, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Không thể chỉ đơn thuần dựa vào việc xử lý các cá nhân vi phạm pháp luật, mà cần phải có một chiến lược tổng thể, đa chiều, tác động vào tận gốc rễ của vấn đề, trong đó việc đẩy lùi lòng tham, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng giữ vai trò then chốt. Xây dựng một xã hội công bằng, minh bạch, đề cao các giá trị đạo đức là điều kiện tiên quyết để kiềm chế lòng tham và ngăn chặn tham nhũng.
Tham nhũng có nguồn gốc sâu xa từ lòng tham của con người. Do đó, bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất để đẩy lùi tham nhũng chính là đẩy lùi lòng tham. Nhưng để đẩy lùi lòng tham, trước hết ta phải nhận diện được nó. Lòng tham thường ẩn mình dưới nhiều lớp vỏ bọc khác nhau, đôi khi tinh vi đến mức chính bản thân ta cũng khó lòng nhận ra. Vì vậy, mỗi người cần phải nghiêm khắc tự soi xét, đánh giá bản thân, thành thật nhìn vào những góc khuất trong tâm hồn mình để nhận biết những biểu hiện của lòng tham.
Lòng tham có thể biểu hiện dưới nhiều hình thức, từ những ham muốn vật chất tầm thường đến những khát khao quyền lực, danh vọng. Đó có thể là sự thèm muốn một món đồ xa xỉ vượt quá khả năng tài chính, là sự ganh tị với thành công của người khác, là sự khao khát thăng tiến bằng mọi giá, hay là sự bất chấp đạo lý để tích lũy của cải. Những biểu hiện này, tuy khác nhau về mức độ và hình thức, nhưng đều có chung một nguồn gốc: sự không hài lòng với những gì mình đang có, luôn muốn có được nhiều hơn, tốt hơn.
Việc nhận diện lòng tham trong chính mình không hề dễ dàng. Nó đòi hỏi sự can đảm, trung thực và khả năng tự phê bình. Nhiều người thường che giấu, biện minh cho lòng tham của mình hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh, xã hội. Tuy nhiên, chỉ khi nào chúng ta dám đối mặt với sự thật, thừa nhận những khuyết điểm của bản thân, chúng ta mới có thể bắt đầu quá trình thay đổi.
Sau khi đã nhận diện được lòng tham, bước tiếp theo là xây dựng cho mình những giới hạn, những nguyên tắc sống. Đây là những “rào chắn” giúp chúng ta kiểm soát lòng tham, không để nó vượt quá giới hạn cho phép. Những nguyên tắc này có thể được hình thành từ giá trị đạo đức và kinh nghiệm sống. Ví dụ, ta có thể tự đặt ra nguyên tắc “không nhận hối lộ”, “không lạm dụng quyền lực”, “sống trung thực, liêm khiết”.
Học cách hài lòng với những gì mình đang có cũng là một yếu tố quan trọng để đẩy lùi lòng tham. Hạnh phúc không phải nằm ở việc sở hữu nhiều tiền bạc, vật chất, mà nằm ở sự bình an trong tâm hồn, sự hài hòa giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Khi chúng ta biết trân trọng những giá trị tinh thần, biết chia sẻ với những người xung quanh, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện hơn và lòng tham cũng sẽ dần dần biến mất.
Đạo đức cách mạng là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của mỗi cá nhân. Đạo đức cách mạng bao gồm những giá trị cốt lõi như yêu nước, thương dân, liêm khiết, chính trực, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật và ý thức phục vụ nhân dân. Tu dưỡng đạo đức cách mạng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự học tập, rèn luyện không ngừng. Cần phải học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, lấy tấm gương đạo đức của Bác làm khuôn mẫu để phấn đấu. Đồng thời, cần phải rèn luyện bản thân trong thực tiễn cuộc sống, thông qua công việc, học tập, và các hoạt động xã hội.
Giáo dục đạo đức, liêm chính cần được đẩy mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân, từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Giáo dục không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn hình thành nhân cách, giúp con người nhận thức được giá trị của đạo đức, tầm quan trọng của liêm chính. Cần lồng ghép giáo dục đạo đức, liêm chính vào chương trình giáo dục ở các cấp học, từ mầm non đến đại học. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân học tập, rèn luyện đạo đức, liêm chính trong cuộc sống hàng ngày.
Cuộc chiến giữa liêm chính và tham lam chính là cuộc chiến nội tâm trong mỗi con người. Nó là sự giằng co giữa cái tôi vị kỷ và cái tôi vị tha, giữa ham muốn cá nhân và trách nhiệm với cộng đồng. Chiến thắng thuộc về bản ngã nào, phụ thuộc vào sự lựa chọn của mỗi cá nhân, vào hệ giá trị mà họ theo đuổi và vào sức mạnh của hệ thống đạo đức xã hội. Xây dựng một xã hội công bằng, minh bạch, đề cao các giá trị đạo đức, chính là cách thức hữu hiệu nhất để kiềm chế lòng tham và giúp con người hướng tới những giá trị chân chính.
Nguyễn Anh Trung